Nâng cao sức cạnh tranh cho ô tô Việt Nam

Các biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ô tô Việt Nam

*      Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, các liên doanh sản xuất ô tô Việt Nam cần kêu gọi thêm các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tốt hơn hết, mỗi liên doanh nên liên kết với một hoặc một vài nhà sản xuất linh kiện phụ  tùng ô tô nước ngoài. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng xe hơi có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp ô tô.

Trong các nhà máy sản xuất của các công ty, cần nhanh chóng đầu tư thêm dây chuyền dập vì đây là khâu cơ bản trong sản xuất và lắp ráp ô tô, giúp nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

*      Nâng cao tỷ lệ vốn góp của phía Việt Nam trong các liên doanh

Thông thường, trong các liên doanh, phía đối tác Việt Nam chỉ góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất, 70% còn lại là vốn của phía nước ngoài. Vốn góp của phía Việt Nam thấp cho nên quyền quản lý và điều hành doanh nghiệp liên doanh tập trung cả vào phía đối tác nước ngoài. Điều này thực tế làm cho vai trò phía đối tác Việt Nam trong liên doanh không có ảnh hưởng lớn. Tác động thúc đẩy theo hướng có lợi cho công nghiệp Việt Nam rất ít, do đó, ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài đối với công nghiệp ô tô mờ nhạt

*      Đầu tư chiều sâu vào công nghệ, đón bắt kỹ thuật tiên tiến

Hiện nay, các liên doanh sản xuất ô tô trong nước đang trong tình thế phải rút ngắn giai đoạn, tránh nguy cơ tụt hậu, vì vậy rất cần có sự bảo hộ, đầu tư mạnh của Nhà nước trên cơ sở những mục tiêu sản phẩm, dự án đầu tư đã được xác định. Các liên doanh cũng cần phải có một chính sách và kế hoạch nêu rõ tiến độ và mục tiêu thực hiện đầu tư cho công nghệ. Trước hết, các liên doanh phải tạo được nguồn vốn để phát triển khoa học công nghệ bằng các giải pháp:

– Trích 2-5% doanh số bán ra cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sản phẩm, chi phí này tính trong giá thành sản phẩm.

– Hình thành các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ bao gồm tài liệu thiết kế, tư vấn các bí quyết về công nghệ. Kết hợp hợp lý quá trình nghiên cứu và sản xuất đảm bảo mỗi năm có 3-5 sản phẩm mới đưa ra thị trường.

– Ưu tiên nguồn viện trợ của nước ngoài cho phát triển khoa học công nghệ sản xuất cơ khí giao thông.

– Xây dựng chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm tiêu thụ hàng năm.

Được đầu tư kịp thời, cùng với các chính sách bảo hộ có thời hạn hợp lý, chắc chắn các doanh nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đủ tiềm lực để vươn lên cạnh tranh, để tới khi hội nhập hoàn toàn vào khu vực, sản phẩm ô tô của Việt Nam sẽ có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế và có khả năng xuất khẩu.

            *       Đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức

Các liên doanh có thể tham khảo chính sách khuyến khích sinh viên như: trao quà tặng, cấp học bổng…Trước mắt đây là một khoản đầu tư không nhỏ nhưng lại có lợi về lâu dài. Khi các sinh viên này ra trường có thể về làm cho các công ty và đây cũng chính là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của các liên doanh trong tương lai.

Đối với các cán bộ đang tại chức, các liên doanh cần tiếp tục mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị kinh doanh, pháp luật, ngoại ngữ…, rà soát lại cán bộ trong các liên doanh hiện có, thay thế những người quá kém, đặc biệt là kém phẩm chất, đồng thời ban hành chế độ quản lý cán bộ, giúp cán bộ làm tốt công tác trong xí nghiệp.

Khuyến khích đội ngũ công nhân viên có tay nghề cao, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề nâng bậc cho nhân viên, tạo ra động lực cho họ phấn đấu.

Về kiện toàn tổ chức, đây là vấn đề khá quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh tế, thể hiện trình độ quản lí tiên tiến của mỗi công ty. Mỗi phòng ban, phân xưởng phải được quy định rõ ràng về công việc, trách nhiệm để đảm bảo gọn nhẹ, dễ quản lí, tránh sự chồng chéo.

*      Chú trọng đến việc bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề toàn cầu làm đau đầu các vị lãnh đạo của các quốc gia, vì vậy việc sử dụng các thiết bị hạn chế ô nhiễm là vấn đề cần thiết.