Tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty

 

Trong nền kinh tế thị trường, với xu hướng tự do hoá thương mại, Nhà nước dần xoá bỏ hàng rào thuế quan trong hoạt động thương mại nhằm tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước nói chung và của công ty MBV nói riêng. Công ty phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động tiêu thụ sản phẩm của mình, việc tiêu thụ được sản phẩm có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của công ty. Do đó công tác tiêu thụ sản phẩm phải được quan tâm nghiên cứu và triển khai một cách đồng bộ tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra và có lãi.

Hiện nay công ty tổ chức bán hàng thông qua 4 trung tâm: Star Motor, Haxaco (Thành phố Hồ Chí Minh), Láng Hạ, Giảng Võ (Thành phố Hà Nội) và 14 đại lý trên cả nước, ở các trung tâm có các Giám đốc trung tâm phụ trách, sẵn sàng ký kết các hợp đồng mua bán, cung cấp số lượng lớn, chất lượng xe đảm bảo, đồng thời công ty áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm.

Do đặc điểm sản phẩm của công ty là sản phẩm ô tô có giá trị lớn, giá trị sử dụng cao cho nên sản phẩm bán ra chủ yếu cho các đơn vị có nguồn ngân sách cấp, các công ty du lịch, các công ty kinh doanh có tầm cỡ lớn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Đối với MBV thì thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và thị trường Hà Nội là hai thị trường lớn, vì đây là hai khu vực có số lớn các cơ sở kinh doanh, cơ quan lãnh đạo cao cấp của Nhà nước có sức mua lượng lớn ô tô.

Thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối tốt. Số dân cư có thu nhập cao và giàu có, số này chiếm phần lớn khả năng thanh toán cũng như khả năng tiêu dùng ô tô có tỷ lệ cao hơn so với khu vực khác. Cụ thể hai thị trường này đã tiêu thụ khoảng 62% số lượng xe bán ra trong năm 2001 với số xe là 4.592 chiếc.

Như vậy, từ tình hình tiêu thụ trên vùng thị trường mà MBV đã chiếm lĩnh cho thấy từ năm 2000 đến năm 2002 số lượng xe bán ra của công ty tăng lên mặc dù tỷ trọng tiêu thụ ở Hà Nội và thị trường Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001 có giảm so với năm 2000 nhưng vùng thị trường khác lại tăng 33% năm 2000 lên 38% năm 2001. Lượng xe được tiêu thụ tại vùng thị trường khác tăng lên, đây là dấu hiệu đáng mừng khẳng định được hướng phát triển của thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty là phát triển thị trường mới vào các vùng ở miền Trung, vùng phía Nam là đúng đắn.

Mặc dù công ty đã cố gắng đầu tư để mở rộng thị trường tiêu thụ, tốc độ tiêu thụ mấy năm gần đây tăng nhanh song vấn đề chiếm lĩnh thị trường, giành thị phần rất khó khăn đặc biệt, bởi ngoài MBV còn có 13 liên doanh ô tô được cấp giấy phép tung sản phẩm của mình ra thị trường.

Bên cạnh đó, công ty còn phải đối mặt với một lượng lớn xe ô tô nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng trên thế giới, các xe cũ đã qua sử dụng.

Tính riêng năm 2000 cả nước nhập khẩu 26000 ô tô các loại (kể cả nhập khẩu bộ linh kiện, xe nguyên chiếc và xe đã qua sử dụng).

Đây thực sự là vấn đề khó khăn cho công ty cũng như cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Song số lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty vẫn tăng là vì:

Thứ nhất, sản phẩm của công ty được thị trường chấp nhận, chiếm được lòng tin của khách hàng về chất lượng, giá cả, và chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, nhãn mác. Xe có khả năng cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng trong nước.

Thứ hai, nhu cầu về ô tô đối với thị trường trong nước tăng mạnh do:

_ Luật Doanh nghiệp ra đời đã “mở cửa” thị trường ô tô Việt Nam. Những quy định mới đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp mới ra đời kéo theo nhu cầu mua sắm ô tô tăng.

_ Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 890, quy định tiêu chuẩn chất lượng xe chở khách liên tỉnh, nếu không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các chủ phương tiện buộc phải thay thế, mới được phép lưu hành. Thời hạn của quyết định được gia hạn tới ngày 01/7/2001.

_ Nhu cầu ô tô chuyên dụng các loại (xe cầu thang thuỷ lực, ben, ép rác hút hầm cầu) tăng mạnh.