Phương pháp sửa chữa trục khuỷu

Đối với trục khuỷu đúc bằng gang cầu, nếu trục bị cong quá 0,5 mm phải thay mới. Còn đối với các trục khuỷu rèn, có thể nắn thẳng trên máy ép sau khi đã đo và xác định hướng cong và độ cong của trục. Nếu nắn theo phương pháp thủ công, có thể thực hiện bằng cách dùng búa đánh theo hướng ngược chiều với chiều cong vào má khuỷu gần cổ giữa nhất để khắc phục biến dạng này. Sau mỗi lần đánh búa phải đưa trục lên kiểm tra và cứ làm như vậy cho đến khi nào kiểm tra thấy đạt yêu cầu thì thôi. đối với các trục bị cong nhiều thì sau khi nắn phải ủ trục ở nhiệt độ 180 – 200oC trong 5 – 6 giờ để tránh biến dạng đàn hồi trở lại trạng thái cong.

Doa lại bề mặt côn định tâm ở đầu và đuôi trục nếu bị nứt mẻ hoặc biến dạng lớn vì các lỗ này thường được sử dụng để định vị trục khuỷu trên máy gia công khi mài sửa chữa các cổ trục và cổ chốt. Việc sửa chữa này được thực hiện trên máy doa ngang. lệch tóm

Cổ trục (cổ chính) và cổ chốt (cổ biên) bị mòn được sửa chữa bằng cách mài tròn lại trên máy mài đến kích thước cốt sửa chữa gần nhất. Kích thước sửa chữa tiêu chuẩn của cổ trục và cổ chốt thường được quy định với mức giảm kích thước là 0,25 mm sau mỗi lần sửa chữa, số lần sửa chữa có thể từ 3 đến 4 lần. Lượng giảm kích thước tối đa thường không cho phép quá 1 mm so với kích thước đường kính nguyên thủy của trục. Nếu sửa chữa nhiều lần làm giảm kích thước cổ nhiều quá sẽ làm yếu trục và làm giảm độ chịu mòn của lớp bề mặt kim loại. Do đó, xác định kích thước sửa chữa phải căn cứ vào cổ trục và cổ chốt mòn nhiều nhất; còn đối với cổ chốt, đặc điểm mài mòn phụ thuộc vào cấu tạo đường dầu bôi trơn. Nếu độ cong của trục nằm trong giới hạn cho phép không cần nắn thẳng lại thì kích thước sửa chữa của cổ trục là kích thước tiêu chuẩn nhỏ hơn gần nhất với đường kính nhỏ nhất đo được của cổ giữa sau khi trừ đi hai lần độ cong của trục và trừ đi lượng dư gia công 0,03 mm.

Việc gia công trục khuỷu được thực hiện trên máy mài chuyên dùng cho mài trục khuỷu. Cổ chính được mài trước khi mài cổ biên, trục được định vị chính tâm như đối với các trường hợp mài trục trơn bình thường. Chuẩn định vị là hai lỗ tâm hoặc mặt lắp puli và vành lắp bánh đà. Còn đối với các trường hợp gia công các cổ biên cần phải cặp trục lên mâm cặp lệch tâm và định vị bằng phương pháp rà sao cho tâm các chốt khuỷu cần gia công trùng với tâm trục chính của máy mài, dùng đồng hồ so để kiểm tra.