Tình hình hoạt động của một số công ty Việt Nam trong quá trình hội nhập

 

        Theo ý kiến chung của các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô và công nghiệp phụ trợ thì Việt Nam chưa có nghành công nghiệp ô tô theo nghĩa đủ.

        + Ngành công nghiệp ô tô hình thành từ đầu thập kỷ trước, với 11 liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cho tới năm 2000, Chính phủ cho phép nhà đầu tư trong nước được thành lập doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp dòng xe bus, xe thông dụng. Hiện, hơn 40 doanh nghiệp lắp ráp được khoảng 8 vạn xe/năm, làm giảm nhập khẩu, tiết kiệm nhiều tỉ USD, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động trong nghành này và các nghành công nghiệp phụ trợ; dự kiến năm 2010 có thể đạt sản lượng 10 vạn xe/ năm. Viện chiến lược chính sách công nghiệp dự báo, năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 1,2 triệu, năm 2020 sẽ có hơn 3 triệu ô tô hoạt động. Nhu cầu vận tải bộ chiếm nhu cầu ngày càng lớn, cộng với đòi hỏi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đang đòi hỏi nghành công nghiệp ô tô và những nghành liên quan cần phải đổi mới nhanh, nhiều hơn nữa.

        + Theo Tổng thư ký hội kỹ sư ô tô Việt Nam Dư Quốc Thịnh, nghành công nghiệp ô tô nước nhà đang còn manh mún, chủ yếu là lắp ráp. Các bộ phận quan trọng nhất của ô tô (động cơ, hộp truyền động…) chúng ta chưa làm được. Hô hào nội địa hóa từng đấy năm, đến nay chúng ta mới chỉ sản xuất được một phần rất nhỏ giá trị xe.

        + Công nghiệp ô tô đòi hỏi nguyên liệu từ nhiều nghành (gang, thép, cao su, nhựa, hóa chất, điện tử…), phát triển công nghiệp ô tô đương nhiên đẩy hàng chục nghành khác phát triển. Để hình thành một chiếc ô tô cần 2-3 vạn chi tiết, nhưng thực tế công nghiệp phụ trợ của ta: các doanh nghiệp đầu tư còn chắp vá, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm chủ yếu là linh kiện giản đơn, công kềnh, ít bí quyết công nghệ, có giá trị thấp trong cơ cấu nội địa hóa; công nghiệp lạc hậu, hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Công nghiệp phụ trợ ô tô cần hàng nghìn nhà cung cấp linh kiện (như Đài Loan hơn 2.000), trong đó nhiều nhất là các nhà cung cấp nguyên vật liệu, tiếp đó là các nhà cung cấp linh kiện, cuối cùng là lắp ráp. Để tránh khỏi lắp ráp giản đơn, một doanh nghiệp ô tô cần ít nhất 20 nhà cung cấp nhiều loại linh kiện; nhưng đến nay chưa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nào tại Việt Nam có được 20 nhà cung cấp trong nước. Hãng ô tô hiện đại đòi hỏi rất cao về nguồn nguyên liệu, loại sản phẩm, dịch vụ, năng lực sản xuất; còn chúng ta năng lực sản xuất thấp, quản lý yếu, năng lực tài chính hạn chế, kế hoạch và điều độ sản xuất chưa tốt.

        Cho đến nay, cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và con số này sẽ không dừng ở đó vì ngày càng thêm nhiều doanh nghiệp “xếp hàng” xin được tham gia sản xuất ô tô theo công nghệ Trung Quốc, giá rẻ.

Đây chính là những báo cáo, số liệu cụ thể nhất cho thấy tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp ô tô Việt Nam trong quá trình hội nhập. Sự phát triển của các doanh nghiệp ô tô Việt Nam tiến lên theo xu hướng phát triển chung của nền công nghiệp ô tô thế giới tuy nhiên sự sụt giảm của các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng chịu sự ảnh hưởng của sự sụt giảm thị trường ô tô thế giới.